Phổ thông, doanh nghiệp hay chuyên dụng
Admin
27-01-2015, 5:27 pm
1670
HP tiếp tục con đường chinh phục không chỉ người dùng phổ thông, doanh nghiệp mà còn cả giới kỹ thuật với những chọn lựa khá hấp dẫn cho những yêu cầu tính toán cao cấp. Trong khi đó, MSI cũng bổ sung vào dòng MTXT một model “cứng cựa”, kết hợp được cả kiểu dáng thiết kế bóng bẩy và tốc độ xử lý mạnh, thích hợp cho nhiều đối tượng người dùng.
HP 2533t
 |
HP 2533t |
HP 2533t là một trong số MTXT nhỏ (mobile thin client) hiếm hoi thuộc nhóm doanh nghiệp. Với kích thước nhỏ gọn, màn hình 12,1”, HP 2533t có lớp vỏ ngoài giống dòng máy EliteBook với các góc máy “chặt” khá vuông vức, trông đơn giản nhưng cứng cáp. Điểm sáng về thiết kế của 2533t chính là bàn phím rất dễ dùng nhờ phím bấm lớn, êm ái, bố trí hợp lý; và trang bị hai trỏ chuột (touchpad và trackpoint) thuận tiện. Tuy máy thuộc dạng nhỏ gọn nhưng cũng có kèm ổ đọc DVD và kèm theo bộ đọc smartcard (gắn qua ngõ PC card) vừa tiết kiệm chi phí, vừa tăng độ bảo mật (thay cho bảo mật vân tay). Màn hình 12,1’’ khá sáng, sắc nét với độ phân giải 1280x800. Cấu hình máy gần giống với một netbook (máy tính sổ tay): bộ xử lý VIA C7-M 1GHz, RAM 1GB, chip đồ họa tích hợp của S3 Graphics, ổ cứng SSD 2GB.
Vì 2533t thiết kế hướng vào truy cập hệ thống từ xa nên máy mang những tính năng rất “doanh nhân”, cấu hình vừa đủ nhằm hạn chế tối đa rủi ro do virus, hỏng hóc... Máy chạy hệ điều hành Windows XP nhúng (XPe), được HP giản lược tối đa các chức năng của hệ điều hành XP thông thường (như không thể dùng chuột phải, Control Panel giới hạn, không được cài đặt phần mềm, không dùng được thiết bị gắn ngoài...). Do đó, trên hệ thống có sẵn các phần mềm, giải pháp truy cập máy tính từ xa gồm: Remote Desktop sẵn có của Windows XP, SAM client của HP, Program Neighborhood của Citrix và TeemNT client.
Test Lab không áp dụng các phép đo thông thường cho model này. Tuy vậy, qua thử nghiệm sơ bộ khả năng làm việc từ xa, truy cập không dây, hệ thống chạy rất trơn tru, nhất là các khả năng “điều tiết” của 2533t với máy được truy cập từ xa (khi không cùng độ phân giải màn hình, độ nhạy chuột, loa...) rất tốt và để bạn nhiều tinh chỉnh cho phù hợp với công việc. Thời gian khởi động vào hệ điều hành XPe rất nhanh, khoảng 40 giây. Pin chưa thật ấn tượng khi kết nối Wi-Fi và truy cập từ xa, chỉ được khoảng 2 giờ.
Model này khá thích hợp cho người dùng doanh nghiệp thường phải đi công tác và cần truy cập hệ thống từ xa. Ngoài lợi thế di động (nhỏ gọn, nhẹ), máy còn tăng tính bảo mật. Điều còn lại cần cân nhắc là: hệ thống mạng trong doanh nghiệp bạn đã sẵn sàng chưa.
HP Compaq 6530s
Thuộc dòng máy phổ thông, Compaq 6530s có thiết kế khá chân phương, đơn giản với lớp vỏ màu đen nhám từ trong ra ngoài. Các góc máy được bo tròn khá mềm mại. Trong thân máy, bàn phím, touchpad dễ dùng. Màn hình 14,1” sáng nhưng chưa thật sắc nét. Phía trên bàn phím rất đơn giản, chỉ có nút nguồn và nút bật Wi-Fi. Các ngõ giao tiếp của máy khá đơn giản, đáng chú ý là có đến 4 ngõ USB và Wi-Fi hỗ trợ cả chuẩn dự thảo của 802.11n.
 |
HP Compaq 6530s |
Cấu hình Compaq 6530s khá cơ bản: bộ xử lý Core 2 Duo P7350 2GHz, bộ nhớ DDR2 1GB và ổ cứng 160GB (không có hệ điều hành). Thử nghiệm trên nền Vista, máy đạt 72 điểm WorldBench, tương đối khá. Hệ thống cho thấy có thể chạy tốt hầu hết mọi ứng dụng phổ biến hiện nay. Tuy vậy, với xử lý ảnh Photoshop và ghi đĩa Nero, 6530s “đuối sức” khi thời gian hoàn thành khá lâu so với các hệ thống khác. Còn với các ứng dụng “nhẹ ký” như lướt web với Firefox, Office, thậm chí chạy cả đa tác vụ, hệ thống cho thời gian hoàn thành rất tốt.
Về thời gian dùng pin, Compaq 6530s cũng khá “chì” khi xem DVD được hơn 2 giờ, đọc văn bản đến gần 5 giờ và chạy ứng dụng gần 4 giờ.
Compaq 6530s khá thích hợp cho những nhu cầu cơ bản, giá cả hợp lý, thích hợp cho sinh viên và cả người dùng không đòi hỏi sức mạnh tính toán di động.
HP EliteBook 6930p
 |
Pin phụ có thể nâng thời gian dùng pin lên gần 24 giờ. |
MTXT dòng p của HP dành cho người dùng doanh nghiệp với khả năng xử lý tốt, bền bỉ, và 6930p đã minh họa được điều này. Máy trông đơn giản nhưng rất chắc chắn với vỏ ngoài bằng nhôm, màu bạc sáng, các góc máy vuông vức, tạo cảm giác cứng cáp. Thiết kế bên trong cũng rất gọn gàng: bàn phím lớn, dễ bấm, bố trí phím hợp lý; 2 trỏ chuột touchpad và trackpoint; bộ nhận diện vân tay lớn; phía trên bàn phím là dãy nút chức năng dạng cảm ứng. Nét mới trong dòng EliteBook là có đèn chiếu sáng cho bàn phím gần webcam phía trên màn hình khá tiện lợi trong môi trường thiếu ánh sáng. Về cổng giao tiếp, đáng chú ý là máy có ngõ IEEE 1394 và khe cắm riêng biệt cho smartcard. Dưới đáy máy có khe cắm để đồng bộ với chân đế và pin gắn thêm. Ổ ghi DVD hỗ trợ ghi nhãn đĩa theo công nghệ LightScribe. Tuy nhiên, màn hình widescreen 14,1’’ không thật sắc nét và chưa trong trẻo.
Về phần mềm kèm theo, EliteBook 6930p được cài mặc định HĐH Windows XP SP2 (không phải Vista); có lẽ do vẫn còn nhiều doanh nghiệp chọn giải pháp Windows XP “an toàn” và tiết kiệm. Máy có công nghệ chống sốc 3D DriveGuard cho ổ cứng của HP, hỗ trợ giải pháp vPro của Intel, công nghệ bảo mật kết hợp giữa ProtectTools của HP và TPM của Infineon và công cụ ghi đĩa Roxio bản Creator Business 10.1.
 |
HP EliteBook 6930p |
Elitebook 6930p chạy BXL Intel Core 2 Duo P8600 2,4GHz với bộ nhớ DDR2 3GB (kênh đơn), ổ cứng 80GB. Cấu hình này ở mức khá nếu xét trên khía cạnh hệ thống cho doanh nghiệp. Tuy vậy, trên nền Windows XP, 6930p đã thực sự tạo bất ngờ khi đạt đến 101 điểm WorldBench 6, hơn cả mọi hệ thống có cấu hình tương đương, thậm chí cả những hệ thống cao cấp hơn mà Test Lab từng thử nghiệm. Lý giải cho điều này có thể là do 6930p chạy trên nền Windows XP và đã được HP cân chỉnh ở mức tối ưu về tốc độ. Ấn tượng nhất trong 10 ứng dụng thử nghiệm là Firefox 2, máy chỉ mất 230 giây, vượt lên đầu trong nhóm thử nghiệm tháng này, tiếp đến là những thử nghiệm với Nero, Photoshop, Office 2003...
Bên cạnh tốc độ xử lý ấn tượng, EliteBook 6930p còn có thời gian dùng pin rất dài: HP Việt Nam công bố là liên tục 24 giờ nếu dùng thêm pin phụ (tuỳ chọn, giá khoảng 230USD). Thử nghiệm với MobileMark 2007 ở chế độ màn hình sáng nhất và tắt chế độ nghỉ của CPU, 6930p gần đạt thời lượng HP công bố. Cụ thể, khi chạy với 2 pin (pin thứ 2 gắn kèm qua đế cắm bên dưới máy), hệ thống xem DVD liên tục được 768 phút (gần 13 giờ); chạy hỗn hợp nhiều ứng dụng được 1128 phút (gần 19 giờ) và đọc tập tin PDF được 1283 phút (hơn 21 giờ). Kết quả thử nghiệm với pin kèm theo máy cũng rất ấn tượng: xem DVD được 5 giờ, đọc văn bản đạt hơn 8 giờ và chạy hỗn hợp gần 8 giờ.
HP EliteBook 8530w
.jpg) |
HP EliteBook 8530w |
Khác với dòng p dành cho doanh nhân, dòng w của HP dành cho kỹ sư và nhà thiết kế. Chiếc EliteBook 8530w là máy trạm di động (mobile workstation) chuyên cho những ứng dụng dựng hình, đồ họa chuyên ngành nên có màn hình đến 15,6” và cấu hình mạnh. Về thiết kế, chiếc 8530w giống với 6930p (chỉ khác về kích thước và chất lượng màn hình). Màn hình của máy có độ phân giải đến 1920x1200, rất sắc nét và trong trẻo. Về cổng giao tiếp, đáng chú ý là ngõ eSATA (không tương thích với ngõ USB) để kết nối với các thiết bị lưu trữ gắn ngoài, ngõ xuất HDMI, ngõ nhập IEEE 1394 và ổ đọc Blu-ray/ghi DVD. Máy cũng có khe cắm cho smartcard, đèn chiếu sáng bàn phím, webcam, chuột touchpad và trackpoint, đế cắm đồng bộ với chân đế và pin ở mặt đáy...
Đi kèm máy là HĐH Windows Vista Business SP1 bản 64-bit, hỗ trợ công nghệ vPro của Intel và phần mềm quản lý danh thiếp BizCard 5 của Presto. Phần mềm này tận dụng webcam của máy để chụp danh thiếp, sau đó nhận diện chữ viết và đưa vào cơ sở dữ liệu, rất tiện dụng cho việc quản lý. Trên máy cũng có bố trí khe gắn danh thiếp (cạnh touchpad) để “đúng tầm” của webcam khi gấp màn hình lại.
EliteBook 8530w chạy BXL Core 2 Quad 9100 2,26GHz, bộ nhớ DDR2 8GB, đồ họa NVIDIA Quadro FX 770M và ổ cứng 320GB. Với một MTXT thì đây được xem là cấu hình “khủng”, nhưng so với các hệ thống workstation khác, cấu hình này tương đối khá. Thử nghiệm với WorldBench 6, máy đạt 101 điểm, một điểm số “dễ hiểu” với cấu hình trên. Tuy nhiên, các ứng dụng trong WorldBench 6 chưa tận dụng được hết 4 nhân bộ xử lý của máy, hệ điều hành 64 bit cũng như chưa thể hiện được sức mạnh mà chip đồ họa Quadro mang lại, cả dung lượng bộ nhớ đến 8GB cũng tỏ ra “thừa” khi chạy những ứng dụng này. Cả những ứng dụng đồ hoạ như Photoshop, Roxio, Autodesk... máy chỉ chạy chưa đến 1/2 công suất. Do vậy, khá khập khễnh để so sánh tốc độ nếu ta chỉ dựa trên điểm số của WorldBench. Có thể chỉ khi thực sự chạy các ứng dụng chuyên ngành trong xây dựng, thiết kế, dựng mô hình trong y khoa... thì hệ thống mới cho thấy khả năng thực sự.
Về thời gian dùng pin, tuy kích thước màn hình lớn và CPU, GPU “ăn pin” nhưng hệ thống cũng tỏ ra khá tốt khi xem DVD được hơn 2 giờ, đọc văn bản và chạy hỗn hợp cùng được hơn 3 giờ.
MSI EX300X-026VN
 |
MSI EX300X-026VN |
Thoạt nhìn, nắp máy của MSI EX300X trông như mui của chiếc xe thể thao với thiết kế rất đường nét, kết hợp màu đỏ tươi trẻ trung, khá hợp tông với người trẻ năng động. Pin của máy hơi gồ lên, tạo độ dốc cho máy nên giúp cổ tay bạn dễ chịu hơn khi sử dụng bàn phím. Bên trong máy bài trí đơn giản hơn, bàn phím tương đối dễ dùng, chuột nhạy nhưng hai phím chuột hơi cứng. Các nút chức năng phía trên bàn phím đẹp, dạng chìm nhưng hơi khó nhấn. Màn hình 13,3’’ của máy sáng, sắc nét với độ phân giải 1280x800. Về ngõ giao tiếp, đáng chú ý là ngõ HDMI và eSATA/USB nằm mép phải máy, tiện lợi cho bạn xuất hình độ nét cao và lưu trữ ngoài. Tuy nhiên, với các model 13,3’’ khác, trọng lượng 2,14kg của máy là hơi nặng, không có hệ điều hành kèm theo. Đi kèm máy có chuột quang nhỏ gọn, dễ dùng.
MSI EX300X chạy bộ xử lý Core 2 Duo P8400 2,26GHz, bộ nhớ DDR2 2GB, đồ họa ATI Radeon HD 3450 và ổ cứng 250GB. Cấu hình này tương đối khá để chạy các ứng dụng phổ thông và cả chơi game 3D. Máy đạt được 92 điểm WorldBench, điểm số rất tốt. Các ứng dụng nổi bật của hệ thống như Autodesk 3ds max (DirectX), Windows Media Encoder, Roxio, đa tác vụ, WinZip; dù vậy máy hơi bị “rớt lại” khi ghi đĩa với Nero. Các ứng dụng còn lại, hệ thống chạy rất mượt mà và cũng cho kết quả khá tốt.
Riêng về thời gian dùng pin, MSI EX300X thực sự không mạnh. Kết quả xem DVD, đọc văn bản và chạy hỗn hợp nhiều ứng dụng lần lượt là: 163 phút, 212 phút và 198 phút.