Đánh giá máy chủ nhỏ gọn HP ProLiant MicroServer gen 8: rẻ hơn cả NAS

Admin 14-11-2014, 3:38 pm 2433

Đánh giá máy chủ nhỏ gọn HP ProLiant MicroServer gen 8: rẻ hơn cả NAS
 
 
HP_Proliant_MicroServer-3. ​

Có thể bạn không quan tâm nhiều đến nó nhưng các máy chủ nhỏ gọn đang là xu hướng của thế giới. Thay vì tập trung hết tất cả vào những trung tâm dữ liệu lớn, một số công ty nhỏ hay gia đình tự thiết lập những chiếc máy chủ riêng của họ và đặt tại gia, tiện cho việc quản lý hơn. Bài viết này sẽ giúp các bạn có cái nhìn về chiếc máy chủ HP Proliant MicroServer thế hệ thứ 8, một sản phẩm có kích cỡ và giá tiền khá tương đồng với các ổ đĩa mạng NAS (chưa tới 12 triệu đồng) nhưng chức năng lại hơn khá nhiều.

Thiết kế:
Khi mình mới mang chiếc server này về thì ai cũng hỏi tự nhiên đi mua NAS về làm gì, đơn giản vì thiết bị này có kích cỡ gần như không khác biệt so với các ổ cứng mạng 4 HDD đang có trên thị trường, máy chỉ nhỉnh nhẹ hơn 1-2 cm không đáng kể ở các cạnh. Với thiết kế nhỏ gọn như vậy thì bạn có thể đặt Proliant MicroServer ở bất cứ đâu mà không phải lo ngại vấn đề diện tích.

Thiết kế tổng thể của Proliant MicroServer theo dạng máy chủ tower truyền thống. Tuy nhiên, thay vì dạng khung cao, Proliant MicroServer lại dùng khối hộp lập phương. Điều này lại một lần nữa cho thấy HP đã bị ám ảnh với các ổ cứng NAS thế nào, họ cố gắng làm Proliant MicroServer nhỏ nhất có thể.

Cấu hình:
Khoan hãy nói đến những tính năng nâng cao, chúng ta cần biết cấu hình và giá của sản phẩm này trước khi đi tiếp. Giá của HP Proliant MicroServer cấu hình cơ bản vào khoảng 449$ chưa thuế cho chip xử lý Celeron G1610T, 2GB RAM (ở Việt Nam là 11,8 triệu đồng) và còn có thể lên hơn 1000$ cho những bản Core i3, nâng RAM (loại EEC) và ổ cứng. Để so sánh, một NAS loại tốt như Synology DS413/412+ hay QNAP 421 cũng có giá khoảng 499$ không kèm bất cứ ổ cứng nào. Lưu ý là HP Proliant MicroServer có 4 ổ cứng và mình chỉ lấy giá của các NAS 4 ổ để so sánh.

Như vậy, bạn có thể thấy giá của HP Proliant MicroServer gen 8 là cực kỳ hấp dẫn, nếu không muốn nói là đủ sức hạ gục nhiều nhà sản xuất NAS khác ngay từ đâu. Tuy nhiên, HP Proliant MicroServer không phải là không có điểm yếu, nó không kèm theo bất cứ hệ điều hành nào và bạn buộc phải tự thiết lập. Hơn nữa, với việc sử dụng server thì bạn sẽ không có những giao diện dễ dùng như NAS chuyên dụng.

Thiết lập:
Là dòng sản phẩm cho gia đình và công ty nhỏ với chi phí hạn hẹp, không có người quản trị mạng riêng nên tất nhiên Proliant MicroServer phải được thiết kế đơn giản ngay từ đầu. Khi mình mang về thì chiếc Proliant MicroServer không có gì bên trong, không đĩa cứng, không hệ điều hành. Thao tác gắn đĩa cứng vào máy chỉ khá đơn giản, chỉ vặn khoảng 4 con ốc để đưa ổ cứng vào khay và đẩy nhẹ vào khung máy là xong, rất giống NAS. HP đã thiết kế toàn bộ khay ở cứng ở mặt nạ trước, bạn chỉ mở nhẹ cổng ra (không cần vít) là đã có thể thay ổ cứng. Lưu ý là các ổ cứng này không thay nóng được, một nhược điểm của dòng sản phẩm giá rẻ.

Việc thay đổi các thành phần như RAM, CPU… cũng không quá phức tạp vì máy sử dụng thiết kế không vít. Tuy nhiên, hãy bảo đảm là bạn có kiến thức về phần cứng trước khi mày mò bên trong.

Sau khi đã gắn ổ cứng thì bạn chỉ cần cắm cáp nguồn vào là máy hoạt động do nguồn được tích hơp sẵn bên trong. Đây là một ưu điểm, ổ Synology DS412+ cũ của mình xài adapter rời và mình không thích điều đó. Nguồn của máy cũng có thể thay đổi, một cải tiến so với đời trước.

Một điều đáng tiếc là HP vẫn tiếp tục sử dụng cổng VGA truyền thống cho chiếc máy chủ của năm 2013. Với các máy chủ lớn thì điều này là bắt buộc nhưng với các hộ gia đình hay công ty nhỏ, họ đã chuyển sang các màn hình DVI và HDMI rất nhiều. Khá khó hiểu cho quyết định của HP vì họ vẫn tích hợp các cổng mới như USB 3.0, 2 Gigabit Ethernet và iLO4 lên máy chủ này.

Tiếp đến là quá trình cài đặt hệ điều hành. Nếu bạn chọn Windows Server 2012 thì chúng ta gần như không phải làm gì cả, chỉ đưa đĩa DVD (gắn ngoài, máy không có sẵn) hoặc USB có file ISO vào để cài, máy gần như tự xử lý toàn bộ phần còn lại, từ driver tới thiết lập thông qua công cụ Intelligent Provisioning nổi tiếng dễ dùng của HP. Nếu cài hệ điều hành khác được HP hỗ trợ như Red Hat Enterprise, Suse hay thậm chí là VMware ESXi thì driver cũng được tích hợp sẵn. Trừ khi cài Windows theo cách thường (ép máy boot từ USB cài hay DVD) thì bạn mới phải tự tải driver về.

Có một cách khác vui vẻ hơn đối với những bạn thích vọc máy chủ: dùng cổng iLO4 remote để điều khiển, cài đặt từ một máy tính khác qua Internet hoặc mạng nội bộ. Đây là một ưu điểm rất lớn của server nhỏ gọn này, đây có lẽ là lần đầu tiên HP mang cổng chuyên nghiệp của họ xuống máy chủ giá rẻ như thế. iLO4 có 3 bản khác nhau, từ cơ bản đến nâng cao và bạn phải trả tiền để kích hoạt gói cao cấp. Tất nhiên, Proliant MicroServer cho bạn dùng bản giới hạn nhất, cũng khó lòng trách HP.

Do sử dụng iLO4 nên Proliant MicroServer cũng hỗ trợ Insight Online, một công cụ chứa tất cả các hỗ trợ bạn cần để sử dụng máy. Với Insight Online, nhân viên kỹ thuật hay các công ty hỗ trợ có thể truy xuất đầy đủ các thông tin để quản lý, cài đặt máy bạn từ xa, giảm tải cho người dùng không rành kỹ thuật. Ngoài ra, công cụ này cũng cho phép bạn truy cập vào dashboard hiển thị thông tin và tình trạng của các thiết bị trong một giao diện đơn giản và dễ hiểu nhất.

Cho những bạn nào chưa chơi với máy chủ bao giờ và muốn mua Proliant MicroServer dùng thử, các bạn cần thiết lập ổ đĩa luận lý cho nó trước khi cài hệ điều hành bằng công cụ RAID có sẵn trong Intelligent Provisioning kể cả khi chỉ dùng 1 ổ cứng. Các máy này chỉ nhận ổ logical mà không phải là physical. Các công cụ trong Intelligent Provisioning đều có giao diện người dùng và khá dễ để xài.

Năng lực xử lý:
Bạn không thể đòi hỏi máy phải có năng lực xử lý thật sự mạnh với cấu hình như vậy, nó chỉ tối ưu hoá cho những tác vụ thông thường. Mình cài Windows Server 2012 vào và thử năng lực xử lý bằng IOMeter qua 2 bài test 32K và 512K. Kết quả thu được không ấn tượng mà cũng chẳng tệ, ở mức chấp nhận được. Lưu ý là bài test này chỉ dùng 1 ổ cứng 3.5” 7200 vòng, bạn hoàn toàn có thể dùng 4 ổ 7200 vòng hoặc 10000 vòng để nâng cao năng lực xử lý.

32k. ​
32K512. ​
512K​

Tiết kiệm điện:
Bên cạnh năng lực xử lý thì một trong những tính năng mà người dùng quan tâm nhất với các máy chủ chính là khả năng tiết kiệm điện. Không cần so với những máy chủ Tower vì đó là cuộc đua không cân sức nhưng khi so với NAS hay thậm chí là các máy tính xách tay thì HP Proliant MicroServer có những lợi thế nhất định. HP đã sử dụng một bộ nguồn 150W, dư để đáp ứng cho toàn bộ hệ thống, kể cả khi 4 ổ cứng cùng hoạt động.

Để so sánh, một máy tính xách tay dùng Windows cấu hình Core i7 4 nhân, chip đồ hoạ rời thường dùng nguồn 180W, bạn đã hình dung ra chiếc máy chủ nhỏ gọn này tiết kiệm điện thế nào chưa? Một máy chủ rack với 2 CPU Xeon 5xxx, 2 ổ cứng 3.5” thì để bảo đảm máy hoạt động tối ưu người ta thường dùng nguồn 350W (đối với dòng máy chủ tiết kiệm điện, dòng thường vào khoảng 400-460W).

Nói đi cũng phải nói lại, so với các NAS chuyên dụng 4 ổ thì HP Proliant MicroServer tiêu thụ điện năng cao hơn khoảng 3 lần.

Tiếng ồn và nhiệt độ:
Tiếng ồn là đặc sản của các máy chủ và Proliant MicroServer gen 8 cũng chẳng phải ngoại lệ. Để so sánh, tiếng phát ra từ thiết bị này khi stress bằng khoảng 2 máy Macbook Pro chạy fullload tương đương, ở mức cho phép.

Nhiệt độ máy cũng hoàn toàn chấp nhận được. Hệ thống tản nhiệt làm việc tốt, mình không cảm thấy bất cứ hơi nóng nào toả ra xung quanh thân. Nếu bạn dùng 4 ổ cứng thì có thể câu chuyện sẽ khác.

Kết luận:
Với cái giá khá sát với thế giới, Proliant MicroServer là một lựa chọn cực kỳ hấp dẫn cho những ai muốn tiết kiệm chi phí mua NAS mà lại có quyền điều khiển cao hơn, dễ nâng cấp cấu hình hơn. Tuy HP đã cố hết sức đơn giản hoá toàn bộ quá trình thiết lập nhưng máy chủ vẫn là một cái gì đó hơi cao cấp. Hãy chắc chắn bạn đủ khả năng thiết lập trước khi mang nó về.

Tin tức mới

Để được tư vấn hoặc hỗ trợ tốt nhất, bạn vui lòng để lại thông tin cần thiết bằng cách điền vào form dưới đây:

Dịch vụ quan tâm

Thêm sản phẩm vào giỏ hàng thành công!