Bo mạch chủ nền AMD - Ráp máy giá rẻ

Admin 19-01-2015, 11:40 am 1478

Trên nền chipset quen thuộc, các hãng đưa ra những dòng BMC có giá khá dễ chịu (chỉ từ 1-1,8) nhưng vẫn có thể chạy tốt các BXL AMD Phenom II mới với hiệu năng tốt. Một số đại diện cho dòng BMC phổ thông này là các BMC ASRock N68PV-GS, ECS GF8100VM-M3, ECS NFORCE9M-A, Gigabyte GA-MA720-US3 và Gigabyte GA-MA770-US3.

Thiết kế

ASRock N68PV-GS

BMC ASRock N68PV-GS có kích thước theo chuẩn Micro ATX (24,4x18,3cm) nên bạn có thể ráp được một chiếc PC gọn nhẹ nếu kết hợp với một thùng máy nhỏ. ECS GF8100VM-M3 và ECS NFORCE9M-A thì theo chuẩn ATX thông thường nhưng GF8100VM-M3 gọn hơn một chút nhờ “thu” kích thước chiều dài (24,4x24,4cm). Hai “anh em” nhà Gigabyte GA-MA720-US3 và MA770-US3 thì vẫn trung thành với kích thước chuẩn và có số lượng giao tiếp khá phong phú so với ba BMC còn lại.

Hướng đến thị trường phổ thông nên các BMC lần này chỉ trang bị một khe PCI Express 2.0 16x (ASRock N68PV-GS là 1.0 16x) nhưng cũng là quá đủ với đa số người dùng thông thường. Các giao tiếp cần thiết khác như PCI, PCIe 1x, LAN, SATA II với RAID (0,1,5...), bốn khe cắm RAM DDR2 (riêng ASRock N68PV-GS do kích thước nhỏ nên chỉ trang bị hai khe), âm thanh,.... cũng hiện diện đầy đủ trên các BMC. Gigabyte GA-MA720-US3 và GA-MA770-US3 còn có thêm ngõ quang và đồng trục cho âm thanh số, cổng IEEE 1394a. Ngoài ra để cân bằng giữa độ ổn định, giảm rò rỉ điện năng và giá cả, các BMC lần này đều chọn giải pháp kết hợp cả hai loại tụ hóa và tụ rắn.

ECS GF8100VM-M3

Về chipset, ngoại trừ Gigabyte GA-MA770-US3 sử dụng hai chipset điều khiển (cầu bắc AMD 770 và cầu nam AMD SB700), bốn BMC còn lại đều sử dụng chipset NVIDIA nên chỉ cần một chipset để quản lý toàn bộ các thành phần chính trên BMC. Điều này cũng tác động đến phần thiết kế tản nhiệt cho BMC khi Gigabyte GA-MA770-US3 cần hai khối nhôm tản nhiệt cho hai chipset thì những BMC còn lại chỉ cần một khối nhôm. Ngoài ra trong 5 BMC thử nghiệm lần này có hai BMC trang bị đồ họa tích hợp là ASRock N68PV-GS với NVIDIA GeForce 7050 và ECS GF8100VM-M3 cung cấp NVIDIA GeForce 8100, giúp người dùng tiết kiệm được một khoản chi phí không nhỏ cho card đồ họa rời khi chưa có nhu cầu sử dụng nhiều về đồ họa; chip đồ họa của ECS GF8100VM-M3 còn hỗ trỗ công nghệ Hybrid SLI giúp kết hợp sức mạnh đồ họa tích hợp với một số card NVIDIA dòng phổ thông hoặc giúp tiết kiệm điện khi kết hợp với các card cao cấp (Xem chi tiết tính năng tại www.pcworld.com.vn/mua/index.html).

Ngoài ra, các BMC còn có các tiện ích đi kèm như: ASRock có OC Tuner giúp ép xung dễ dàng trong môi trường Windows, Intelligent Energy Saver tiết kiệm điện,... Gigabyte cũng sở hữu công cụ ép xung quen thuộc Easy Tune, Q-Flash cập nhật BIOS, Xpress Recovery giúp khôi phục nhanh hệ thống...

Kết quả thử nghiệm

ECS NFORCE9M-A

Tuy các BMC có những lựa chọn khác nhau về dòng chipset, thiết kế và công nghệ tích hợp, nhưng lại thể hiện sự cân bằng về mặt hiệu năng qua các thử nghiệm tại Test Lab. Với WorldBench 6 Beta 2, ECS GF8100VM-M3 đã vượt lên với điểm số 104 điểm nhưng có đến ba BMC bám sát nút với số điểm 103. Sự cân bằng này càng thể hiện rõ khi trong từng phép thử thành phần, khoảng cách giữa vị trí quán quân và á quân chỉ giao động trong khoảng 1-4 giây. Gigabyte GA-MA770-US3 dẫn đầu trong 3 phép thử: Adobe Photoshop (504giây, hơn BMC về nhì chỉ 1giây), Microsoft Office (351 giây, hơn BMC về nhì 3 giây) và đa tác vụ (241 giây, hơn BMC về nhì 1 giây). Và ở hai phép thử Autodesk 3ds max 8.0 DirectX và Rendering, Gigabyte GA-MA770-US3 lại chia ngôi đầu với hai BMC khác: Autodesk 3ds max 8.0 SP-3 (DirectX) cùng đạt 352 giây với ASRock N68PV-GS và ECS GF8100VM-M3; Autodesk 3ds max 8.0 SP-3 (Rendering) 372 giây với ASRock N68PV-GS và Gigabyte GA-MA720-US3. ECS GF8100VM-M3 thì chiến thắng ở hai phép thử Microsoft Windows Media Encoder (212 giây) và Nero 7 (418 giây); ASRock N68PV-GS là Roxio Video (225 giây) và Winzip (274 giây); phép thử còn lại là Firefox 2 đã trao chiến thắng về cho Gigabyte GA-MA720-US3 với 218 giây (Xem biểu đồ).

Gigabyte GA-MA720-US3

Qua đến công cụ PCMark Vantage, các BMC đều đạt được điểm số khá cao và một lần nữa sự cân bằng được thể hiện rõ khi không có BMC nào dẫn đầu quá 2/7 phép thử thành phần và chênh lệch giữa BMC về đầu và nhì cũng chỉ từ 0,03 % đến 2,1%. Gigabyte GA-MA770-US3 dẫn đầu ở hai phép thử Gaming (4.321 điểm), Music (4.558 điểm) trong khi người đồng hương Gigabyte GA-MA720-US3 dành ngôi đầu ở Communications, Productivity và ECS GF8100VM-M3 thì chiến thắng trong hai tác vụ Memories, HDD. Với phép thử còn lại là TV&Movies, BMC tí hon ASRock N68PV-GS đã vượt lên với điểm số 3.535 điểm.

Gigabyte GA-MA770-US3

Để đánh giá sức mạnh đồ họa tích hợp trên hai BMC ASRock N68PV-GS và ECS GF8100VM-M3, Test Lab sử dụng thêm công cụ 3DMark06, công cụ bao gồm các game và ứng dụng đồ họa trên nền DirectX 9. Kết quả ECS GF8100VM-M3 đã hoàn thành khá tốt với điểm số tương đối cao là 1.265 điểm nên bạn hoàn toàn có thể chạy được nhiều game không quá nặng cũng như ứng dụng DirectX 9, ngoài ra đồ họa tích hợp NVIDIA GeForce 8100 trên BMC này cũng hỗ trợ tốt cho các ứng dụng DirectX 10 mới. ASRock N68PV-GS tí hon khiêm nhường với điểm số 279 điểm nhưng cũng đủ sức để bạn xem phim DVD, giải trí với các game nhỏ và một vài game trực tuyến.

Kết luận

Với mức giá khá dễ chịu cùng hiệu năng tốt, 5 BMC đều rất xứng đáng để bạn chọn lựa làm nền tảng cho chiếc PC phục vụ nhu cầu học tập, làm việc và giải trí. Trong đó ASRock N68PV-GS có kích thước nhỏ gọn và đồ họa tích hợp, rất thích hợp nếu bạn muốn ráp một chiếc PC “nhỏ nhắn” và chưa có nhu cầu cao về đồ họa; bạn cũng có thể xem xét ECS GF8100VM-M3 nếu có muốn có đồ họa tương đối mạnh và vẫn muốn tiết kiệm chi phí cho đồ họa rời. Ba BMC còn lại sẽ thích hợp nếu bạn muốn trang bị card đồ họa rời ngay từ đầu và nhu cầu chỉ dừng lại ở mốc gắn một card đồ họa.

Tin tức mới

Để được tư vấn hoặc hỗ trợ tốt nhất, bạn vui lòng để lại thông tin cần thiết bằng cách điền vào form dưới đây:

Dịch vụ quan tâm

Thêm sản phẩm vào giỏ hàng thành công!